PHỤC VỤ NHIỆT TÌNH - ĐÁP ỨNG NHANH CHÓNG - CHI PHÍ PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU TỪNG KHÁCH HÀNG 

Thông báo tình hình tai nạn lao động 06 tháng đầu năm 2016

So với 06 tháng đầu năm 2015 số vụ tai nạn lao động, số nạn nhân và số người chết vì tai nạn lao động trong 06 tháng năm 2016 đều tăng, cụ thể: số vụ TNLĐ tăng 258 vụ (tăng 7,5%), tổng số nạn nhân tăng 278 người (tăng 7,9%), số người chết vì TNLĐ tăng 79 người (tăng 28,5%).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo đến các ngành, địa phương tình hình tai nạn lao động 06 tháng đầu năm 2016 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong 06 tháng cuối năm 2016 như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Số vụ tai nạn lao động

Trong 06 tháng đầu năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 3.674 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.777 người bị nạn, cụ thể:

– Số vụ TNLĐ chết người: 323 vụ

– Số vụ TNLĐ có từ hai người bị nạn trở lên: 54 vụ

– Số người chết: 356 người

– Số người bị thương nặng: 854 người

– Nạn nhân là lao động nữ: 1.176 người

2. Tình hình TNLĐ ở các địa phương

2.1. Những địa phương xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người trong 6 tháng đầu năm 2016

TT

Địa phương

Số vụ

Số người bị nạn

Số vụ chết người

Số người chết

Số người bị thương nặng

1

TP Hồ Chí Minh

683

    702

45

50

    178

2

Hà Nội

98

     98

27

27

        9

3

Bình Dương

244

    245

23

24

      15

4

Thanh Hóa

32

     53

20

38

      15

5

Đồng Nai

970

    973

17

17

    102

6

Hải Dương

87

     87

9

9

      78

7

Long An

185

    186

9

10

        8

8

Quảng Ninh

280

    287

8

9

    163

9

Thái Nguyên

41

     43

8

10

        7

10

Thái Bình

35

     35

8

8

        9

Các địa phương trên có tổng số người chết vì tai nạn lao động chiếm 56,4%  số người chết vì tai nạn lao động trên toàn quốc.

2.2. Các địa phương báo cáo không có TNLĐ chết người trong 06 tháng đầu năm 2016: Nam Định, Điện Biên, Phú Yên, Cà Mau.

2.3. Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng 6 tháng đầu năm 2016

– Vụ tai nạn sạt lở vách đá xảy ra vào 10g30 ngày 22/01/2016 tại mỏ đá của Doanh nghiệp TNHH Tuấn Hùng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa làm 08 người chết;

– Vụ tai nạn ngạt khí xảy ra vào 16g30 ngày 01/01/2016 tại lò vôi  khu vực núi đá Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa làm 08 người chết và 01 người bị thương nặng;

– Vụ tai nạn sập vận thăng xảy ra vào 13g30 ngày 30/01/2016 tại Công trình khách sạn Royal Lotus Đà Nẵng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, tp Đà Nẵng làm 05 người chết và 01 người bị thương nặng;

– Vụ tai nạn sập giàn giáo xảy ra vào 18g30 ngày 09/01/2016 tại Công trường thi công Suối Quanh, bản Tà Pán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa làm 04 người chết;

– Vụ tai nạn lao động sạt lở tường xảy ra vào 11g00 ngày 08/5/2016 tại Công trường khai thác 2, Công ty cổ phần Than Cao Sơn, tp Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh  làm 02 người chết.

– Vụ tai nạn nổ đường ống dẫn dầu của máy ép thủy lực xảy ra vào 9g45 ngày 18/4/2016 tại khu vực ép ván thuộc Công ty cổ phần thế giới gỗ Việt Nam, Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghị Lộc, tỉnh Nghệ An làm 11 người bị nạn;

– Vụ tai nạn sập mái công trường xây dựng xảy ra vào 10g30 ngày 04/4/2016 tại Công trình thi công Nhà văn hóa xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, tp Hải Phòng làm 09 người bị nạn;

– Vụ tai nạn sự cố cháy khí xảy ra vào 0g20 ngày 03/4/2016 tại khu vực lò dọc vỉa thuộc Công ty Than Hạ Long, tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh làm 06 người bị bỏng.

II. PHÂN TÍCH CÁC VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG TỪ CÁC BIÊN BẢN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG

Theo báo cáo của 63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, 06 tháng đầu năm 2016 toàn quốc đã xảy ra 323 vụ tai nạn lao động chết người, tính đến ngày 10 tháng 8 năm 2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhận được 74 biên bản điều tra (76 người chết). Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có một số đánh giá như sau:

 

1. Tình hình tai nạn lao động chết người theo loại hình cơ sở sản xuất

– Loại hình Công ty cổ phần chiếm 37% số vụ tai nạn chết người và 34% số người chết;

– Loại hình Công ty TNHH chiếm 40,5% số vụ tai nạn chết người và 39,4% số người chết;

– Loại hình Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 14,8% số vụ tai nạn chết người và 14,4%  số người chết;

– Loại hình Công ty liên doanh có vốn đầu tư của nước ngoài chiếm 9,4% số vụ tai nạn chết người và 10,5% số người chết;

– Loại hình Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 4,0% số vụ tai nạn chết người và 3,9% số người chết.

2. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người

– Lĩnh vực xây dựng chiếm 21,6% tổng số vụ tai nạn và 22,3% tổng số người chết;

– Lĩnh vực khai thác khoáng sản chiếm 18,3% tổng số vụ và 17,6% tổng số người chết;

– Lĩnh vực cơ khí chế tạo chiếm 13,5 % tổng số vụ và 11,8% tổng số người chết;

– Lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm 12,8,% tổng số vụ tai nạn và 11,8% tổng số người chết;

– Lĩnh vực dệt may, da giầy chiếm 9,4% tổng số vụ và 10,5% tổng số người chết.

3. Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất

– Tai nạn giao thông chiếm 36,4% tổng số vụ và 36,8% tổng số người chết;

– Ngã, rơi từ trên cao chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,1% tổng số người chết;

– Điện giật chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,1% tổng số người chết;

– Vật rơi, đổ sập, vùi lấp chiếm 16,2% tổng số vụ và 15,7 % tổng số người chết;

– Máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn chiếm 6,7% tổng số vụ và 7,8% tổng số người chết.

4. Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người

4.1. Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 47,2%, cụ thể:

– Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 24,3% tổng số vụ;

– Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 8,1% tổng số vụ;

– Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10,8% tổng số vụ; do tổ chức lao động chiếm 4,0% tổng số vụ.

4.2. Nguyên nhân người lao động chiếm 22,9%, cụ thể:

– Người lao động vi phạm quy trình, nội quy an toàn lao động chiếm 18,9% tổng số vụ;

– Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 4,0% tổng số vụ.

4.3. Còn lại 29,9% xảy ra do các nguyên nhân khách quan khác nhau.

5. Xử lý trách nhiệm đối với vụ tai nạn lao động

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 06 tháng đầu năm 2016, ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, có 05 vụ được chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị khởi tố; trong đó có 03 vụ đã khởi tố vụ án, cụ thể:

– Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Quảng Ninh đã chuyển hồ sơ vụ tai nạn lao động do sạt lở tầng xảy ra vào 11g00 ngày 8/5/2016 làm 02 người chết tại công trường khai thác 2, công ty cổ phần than Cao Sơn, tp Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Tp Cẩm Phả xem xét khởi tố vụ án hình do đã vi phạm quy định về an toàn lao động, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

– Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn sập giàn giáo xảy ra vào 18g30 ngày 09/01/2016 làm 04 người chết tại công trường thi công Suối Quanh, bản Tà Pán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa do “Vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 227, Bộ luật Hình sự.

– Vụ tai nạn do sạt lở vách đá xảy ra vào 10g30 ngày 22/01/2016 làm 08 người chết tại mỏ đá của Doanh nghiệp TNHH Tuấn Hùng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

””